TRƯỜNG ĐẠI HỌC HÀNG HẢI VIỆT NAM

VIETNAM MARITIME UNIVERSITY

Hội thảo khoa học quốc tế phòng, chống vận chuyển trái phép động vật hoang dã bằng đường biển và tích hợp các kiến thức vào hoạt động giảng dạy cho sinh viên

Việt Nam là một trong những quốc gia trọng điểm trên toàn cầu về buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã (ĐVHD), trong đó phần lớn số ĐVHD và sản phẩm từ ĐVHD được vận chuyển trái phép từ các nước Châu Phi về Việt Nam bằng đường biển và đường hàng không. Đáng chú ý, theo số liệu thống kê của tổ chức WCS, từ năm 2015-2022, lực lượng thực thi pháp luật đã phát hiện và bắt giữ 30 vụ việc vận chuyển trái phép ĐVHD và sản phẩm từ ĐVHD, chủ yếu là vảy tê tê, ngà voi và sừng tê giác, bằng công-te-nơ đường biển với tổng khối lượng lên tới 90 tấn;

Vì vậy, nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu khoa học về công tác phòng, chống buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã trên các tuyến đường biển, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam phối hợp với Tổ chức Wildlife Conservation Society (WCS) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Phòng, chống vận chuyển trái phép động vật hoang dã bằng đường biển và tích hợp các kiến thức vào hoạt động giảng dạy cho sinh viên”.

Đại diện các đơn vị tham dự hội thảo khoa học quốc tế

Hội thảo được tổ chức vào ngày 29/03/2023 tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh với sự tham dự của hơn 50 đại biểu đến từ các đơn vị: Vụ Vận tải - Bộ Giao thông vận tải; Trường Đại học Hàng hải Việt Nam; Tổ chức Wildlife Conservation Society (WCS) - tại Việt Nam; Chi cục Hàng hải Việt Nam tại TP. Hải Phòng; Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng; Cảng vụ Hàng hải Thành Phố Hồ Chí Minh; Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh; Cục Hải quan Hải Phòng; Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh; Cục Hải quan Đà Nẵng; Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn; Viện Hàng hải – Đại học Giao thông vận tải Hồ Chí Minh; Trung tâm Luật biển & Hàng hải quốc tế, Đại học Luật, ĐHQGHN; Công ty cổ phần vận tải biển Việt Nam (VOSCO);…

 Hội thảo hướng đến 04 mục tiêu lớn: Cập nhật và thảo luận về việc tình trạng buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã (ĐVHD) trên tuyến đường biển từ nước ngoài về Việt Nam; Cung cấp thông tin về hoạt động phòng, chống buôn bán, vận chuyển trái phép ĐVHD trên tuyến đường biển của các cơ quan thực thi pháp luật Việt Nam; Huy động sự quan tâm của các bên liên quan trong lĩnh vực vận tải biển tham gia vào hoạt động phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ ĐVHD; Trao đổi, thảo luận về các phương án lồng ghép nội dung “Phòng, chống vận chuyển trái phép ĐVHD bằng đường biển” trong chương trình đào tạo của Trường Đại học Hàng hải Việt Nam.

Về phía Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, tham dự hội thảo gồm có: PGS. TS. Nguyễn Hồng Vân - Phó Bí thư Đảng ủy, Trưởng phòng Quan hệ Quốc tế; PGS.TS. Nguyễn Mạnh Cường - Trưởng khoa Hàng hải cùng các giảng viên bộ môn Khoa Hàng hải và các cán bộ trong Trường.

Các diễn giả từ Khoa Hàng hải của Trường Đại học Hàng hải Việt Nam cũng tham gia 3 trong tổng số 7 bài tham luận và đóng góp ý kiến cùng nhiều bài nghiên cứu khoa học có giá trị:
- “Trách nhiệm của người vận chuyển và nâng cao nhận thức của thuyền viên trong công tác phòng ngừa và ngăn chặn vận chuyển trái phép ĐVHD bằng đường biển” của ThS. TTr. Đỗ Công Hoan;

Ths. TTr. Đỗ Công Hoan tại buổi hội thảo

- “Giới thiệu hướng dẫn của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) về phòng ngừa và trấn áp tội phạm buôn bán trái phép ĐVHD trên tàu thuyền tham gia giao thông hàng hải quốc tế” do ThS. Hoàng Thị Ngọc Quỳnh thực hiện;

ThS. Hoàng Thị Ngọc Quỳnh trình bày bài nghiên cứu tại hội thảo

- “Định hướng lồng ghép nội dung phòng, chống vận chuyển trái phép ĐVHD bằng đường biển vào chương trình đào tạo của trường ĐHHHVN” được trình bày bởi TS. Nguyễn Văn Trưởng.
Đây đều là những bài nghiên cứu mang tính áp dụng thực tiễn cao trong hoạt động phòng, chống buôn bán, vận chuyển trái phép ĐVHD trên tuyến đường biển.
Hội thảo đã diễn ra thành công tốt đẹp với đa dạng góp ý từ các đơn vị liên quan, qua đó góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo vệ động vật hoang dã, cũng như chung tay kêu gọi sự tham gia của cộng đồng trong bảo vệ tài nguyên thiên nhiên./.