TRƯỜNG ĐẠI HỌC HÀNG HẢI VIỆT NAM

VIETNAM MARITIME UNIVERSITY

Hội nghị An toàn giao thông Việt Nam năm 2023

Sáng 28/9, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tổ chức “Hội nghị An toàn giao thông (ATGT) Việt Nam năm 2023” (phiên thảo luận), với sự tham dự của các đại biểu đến từ các Ban An toàn giao thông địa phương, lãnh đạo và đại diện các tổ chức có liên quan tới lĩnh vực ATGT. Hội nghị tổ chức theo hình thức trực tuyến trong hai ngày 28-29/9.

Hội nghị ATGT Việt Nam năm 2023 là Hội nghị thường niên do Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia tổ chức, thu hút hàng trăm chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, đại diện các cơ quan quản lý, đơn vị, bộ, ngành, địa phương.

Phiên thảo luận của Hội nghị diễn ra với 8 tiểu ban, thảo luận về các chủ đề như: quản lý an toàn giao thông, hạ tầng và tổ chức giao thông, an toàn giao thông đường sắt, người tham gia giao thông, an toàn giao thông đường thủy nội địa và hàng hải, kinh nghiệm quốc tế, phương tiện giao thông, ứng phó sau tai nạn giao thông. Trường Đại học Hàng hải Việt Nam tham gia tại Phiên thảo luận của Tiểu ban an toàn giao thông đường thủy nội địa và hàng hải.

Theo sự phân công của Ban Tổ chức, Tiểu ban ATGT đường thủy nội địa và hàng hải bao gồm 7 thành viên do PGS.TS.Phạm Xuân Dương - Hiệu trưởng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam là Trưởng Tiểu ban.


Tiểu ban ATGT đường thủy nội địa và hàng hải họp trực tiếp kết hợp trực tuyến tại Trường Đại học Hàng hải Việt Nam

Ngày 29/9/2023, Tiểu ban đã tiến hành Phiên thảo luận dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến từ 15h00-16h30, với 04 báo cáo trình bày thu hút sự tham gia đóng góp ý kiến của các nhà khoa học chuyên môn, các cơ quan quản lý chuyên ngành, đồng thời tiếp tục trao đổi về chuyên môn giữa các thành viên Tiểu ban với các báo cáo viên sau phiên họp Tiểu ban. Các nội dung thảo luận chính như sau:

- Báo cáo Mã số ĐT 01: “Nghiên cứu đặc tính thủy động lực lực và mô phỏng thời gian thực dự trữ chân hoa tiêu UKC của tàu bảo đảm an toàn luồng hàng hải”, do PGS.TS. Trần Khánh Toàn - Khoa Công trình, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam thực hiện. Báo cáo đã giới thiệu tổng quan về các phương pháp xác định giá trị dự phòng chân hoa tiêu UKC của tàu, tính toán thử nghiệm theo từng phương pháp ước tính giá trị UKC cho mô hình tàu container SR18 khi ra vào luồng hàng hải Hải Phòng (đoạn Lạch Huyện) ở các dải vận tốc khác nhau với mực nước chạy tàu khác nhau. Xây dựng mô hình toán, lưu đồ thuật toán, lập trình mô phỏng thử nghiệm để phân tích sự thay đổi dự trữ chân hoa tiêu UKC của tàu theo vận tốc tàu và sự dao động mực nước thủy triều theo thời gian thực. Thông qua các kết quả tính toán và mô phỏng thử nghiệm, đã so sánh để làm rõ đặc tính thủy động lực dự trữ chân hoa tiêu UKC của tàu, thể hiện ở sự thay đổi UKC theo thời gian thực phụ thuộc vào vận tốc tàu, hiệu ứng squat, độ dằn do sóng, độ dằn do gió, và sự dao động mực nước thủy triều. Đưa ra các phân tích và khuyến cáo về sự thay đổi giá trị UKC khi lựa chọn giá trị phù hợp để nâng cao hiệu quả khai thác luồng và bảo đảm an toàn hàng hải.

- Báo cáo Mã số ĐT02: “Nghiên cứu cấu trúc và cách thức kết nối của hệ thống quản lý giao thông thủy thông minh”, do PGS.TS. Phan Văn Hưng, NCS. Kang Hyun Jin, Khoa Hàng hải - Trường Đại học Hàng hải Việt Nam thực hiện. Báo cáo đã được tác giả đưa ra chủ đề và nội dung nghiên cứu là mới và cấp thiết trong bối cảnh thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ thông tin và truyền thông hiện nay. Bên cạnh đó nghiên cứu đã phân tích, chỉ ra cấu trúc hệ thống quản lý giao thông thuỷ thông minh; đồng thời phân tích cách thức kết nối và đưa ra được các ví dụ điển hình về luồng thông tin, dữ liệu trong hệ thống; đã xác định rõ mục tiêu chính của cấu trúc hệ thống là trở thành nền tảng của sự phát triển hệ thống quản lý giao thông thuỷ thông minh đồng thời thúc đẩy sự hài hòa và tiêu chuẩn hóa quốc tế; đã đề xuất xây dựng một cấu trúc ổn định và bền vững, không phụ thuộc vào công nghệ, thành phần kỹ thuật của các hệ thống khác. Hệ thống tích hợp dạng Modul để đóng vai trò hướng dẫn phát triển hệ thống, dễ dàng nâng cấp, phần cứng và phần mềm được sử dụng dựa trên cấu trúc mở để tạo điều kiện phát triển liên tục và tùy chỉnh chức năng theo nhu cầu của nhiều người dùng.

- Báo cáo Mã số ĐT03: “Nghiên cứu áp dụng phương pháp phân tích rủi ro để giảm thiểu nguy cơ tai nạn khi đón trả hoa tiêu trên biển” do PGS.TS. Nguyễn Mạnh Cường, TS. Lương Tú Nam - Khoa Hàng hải, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam thực hiện. Báo cáo đã được nhóm tác giả trình bày về các nguy cơ khi chuyển giao hoa tiêu trên biển, đồng thời sử dụng phương pháp đánh giá an toàn chính thức để đánh giá mức độ các nguy cơ này. Thông thường, từ một tàu hoa tiêu, các hoa tiêu sẽ lên hoặc xuống phương tiện, tàu biển bằng thang hoa tiêu truyền thống. Ngoại trừ trường hợp có thể sử dụng máy bay trực thăng, thang hoa tiêu vẫn là cách an toàn và hiệu quả nhất để lên xuống tàu trên biển. Tuy nhiên, việc đánh giá nguy cơ, rủi ro cụ thể cho hoa tiêu khi lên tàu bằng thang hoa tiêu vẫn còn hạn chế. Trong bài báo này, mối quan tâm của ngành hàng hải thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng về an toàn của hoa tiêu khi sử dụng thang hoa tiêu để lên xuống tàu cùng với các nguy cơ tiềm ẩn đã được thống kê và phân tích nguyên nhân. Nghiên cứu cũng trình bày phương pháp đánh giá an toàn chính thức, khảo sát ý kiến chuyên gia để định lượng, xếp hạng các nguy cơ cho hoa tiêu với việc sử dụng thang hoa tiêu, trước và sau khi áp dụng các biện pháp phòng ngừa tai nạn.

- Báo cáo Mã số ĐT 04: “Định dạng theo hình dạng chữ L và bám các mục tiêu trên mặt nước dựa trên hình ảnh LIDAR 3D” do TS. Phạm Việt Hưng - Khoa Điện - Điện tử, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam thực hiện. Báo cáo đã đưa ra những vấn đề về phát hiện và theo dõi mục tiêu trên mặt nước đóng vai trò quan trọng cho các phương tiện thủy trong các vùng nước có hoạt động đường thủy phức tạp khi nó là tiền tố cần thiết để đưa ra các quyết định hành hải hoặc tránh va. Để ước lượng và xác định một cách chính xác vị trí của các mục tiêu, dữ liệu ảnh LiDAR 3D được sử dụng rộng rãi với chính xác thông tin cao. Bài báo này nghiên cứu thuật toán phát hiện và theo dõi mục tiêu theo thời gian thực dựa trên định dạng mục tiêu theo hình chữ L với dữ liệu LiDAR 3D. Thuật toán thực hiện phát hiện các góc của mục tiêu và sử dụng lọc Kalman mở rộng thực hiện theo dõi mục tiêu dựa trên việc ước lượng hướng di chuyển của mục tiêu. Kết quả thử nghiệm cho thấy thuật toán đã cho phép phát hiện mục tiêu theo thời gian thực và theo dõi mục tiêu một cách chính xác.

Dựa trên cơ sở các trao đổi, thảo luận của các báo cáo viên và chuyên gia đối với tất cả các báo cáo gửi Tiểu ban, Tiểu ban tổng hợp một số đề xuất, kiến nghị như sau:

- Đối với nghiên cứu đặc tính thủy động lực lực và mô phỏng thời gian thực dự trữ chân hoa tiêu UKC của tàu bảo đảm an toàn luồng hàng hải, cần hoàn thiện cơ sở tính toán xác định giá trị dự phòng chân hoa tiêu tối thiểu (UKC min) của tàu khi xây dựng bảng tra trong tài liệu “Nội qui cảng biển” của các cảng biển do các cảng vụ hàng hải soạn thảo và ban hành.

- Đối với nghiên cứu cấu trúc và cách thức kết nối của hệ thống quản lý giao thông thủy thông minh, các cơ quan, đơn vị xem xét hỗ trợ phát triển hệ thống quản lý giao thông thuỷ thông minh, với cấu trúc đề xuất hướng tới 2 giai đoạn theo hướng mở: Giai đoạn 1: là triển khai thí điểm ở các cảng đặc biệt và cảng IA và Giai đoạn 2: là mở rộng ra các cảng biển khác và có sự kiểm soát từng bước các tàu thuỷ nội địa hoạt động ở khu vực các cảng này.

- Đối với nghiên cứu áp dụng phương pháp phân tích rủi ro để giảm thiểu nguy cơ tai nạn khi đón trả hoa tiêu trên biển, tác giả đề xuất có thể làm cơ sở để tham khảo xây dựng các quy trình phù hợp và danh sách kiểm tra cho các bên liên quan tham gia vào các hoạt động chuyển tàu của hoa tiêu trên biển. Cùng với việc kết hợp với đào tạo năng lực cho hoa tiêu về nghiệp vụ cũng như kỹ năng nhận dạng mối nguy và đánh giá rủi ro, sẽ cải thiện đáng kể mức độ an toàn tổng thể trong các hệ thống vận tải hàng hải.

- Đối với nghiên cứu thuật toán phát hiện và theo dõi mục tiêu theo thời gian thực dựa trên định dạng mục tiêu theo hình chữ L với dữ liệu LiDAR 3D thì trong tương lai, giải pháp bám mục tiêu sử dụng LiDAR có thể được kết hợp với các module cảm biến khác như radar, AIS để phù hợp hơn nữa với các hoạt động hàng hải để mở rộng phạm vi giám sát và theo dõi mục tiêu và khắc phục được các nhược điểm về tầm quan sát hạn chế của LiDAR. Có thể triển khai thí điểm giải pháp sử dụng LiDAR trong giám sát phương tiện thủy nội địa trên các tuyến luồng phức tạp về giao thông thủy nội địa như: luồng Hải Phòng- Hải Dương- Bắc Ninh, tuyến luồng Chợ Gạo (Tiền Giang).

Phiên toàn thể của Hội nghị An toàn giao thông năm 2023 sẽ được tổ chức vào tháng 10/2023.