TRƯỜNG ĐẠI HỌC HÀNG HẢI VIỆT NAM

VIETNAM MARITIME UNIVERSITY

Khoa Ngoại ngữ nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp Trường.

08h00 ngày 19/06/2015, tại phòng HTQT số 1, Khoa Ngoại ngữ Trường Đại học Hàng hải Việt Nam đã tổ chức nghiệm thu ba đề tài nghiên cứu khoa học cấp Trường dưới sự chủ trì của Th.S Phạm Văn Đôn-  Phó Trưởng khoa, phụ trách Khoa Ngoại ngữ.

Ba đề tài gồm:

1. Effects of involvement load hypothesis in reading tasks on incidental vocabulary acquisition (Các ảnh hưởng của giả thuyết về mức độ tập trung trong hoạt động học kỹ năng đọc lên việc tiếp thụ từ vựng không chủ đích) do ThS.Nguyễn Thị Thảo Linh làm chủ nhiệm đề tài.

Trong nghiên cứu này, tác giả đã đưa ra việc tiếp thụ từ vựng không chủ đích được coi là một vấn đề quan trọng của việc tiếp thụ ngoại ngữ. Trong phạm vi của nghiên cứu, tác giả chỉ tập trung đi sâu nghiên cứu đối tượng sinh viên đang học học phần Anh văn cơ bản 3 theo định hướng Toeic. Nghiên cứu này không bao gồm đối tượng sinh viên đang học học phần Anh văn cơ bản 1 và 2. Ở trình độ này, sinh viên được đánh giá là đã có thể đáp ứng với việc tiếp thu vừ vựng không chủ đích và thời gian thực hiện nghiên cứu trùng với thời gian học phần Anh văn cơ bản 3 đang được giảng dạy. Qua đây, nghiên cứu thực nghiệm (Experimental research) được chọn làm phương pháp nghiên cứu cho đề tài. Đây là phương pháp cho phép đưa mô hình của một giả thuyết áp dụng vào thực tế và từ đó đánh giá kết quả của giả thuyết. Trong nghiên cứu này, phương pháp thực nghiệm cụ thể bao gồm các bước thiết kế bài tập, áp dụng bài tập trong môi trường dạy học và thực hiện các bài kiểm tra đánh giá. Kết quả của các bài kiểm tra sẽ được đưa vào xử lý qua công cụ thống kê ANOVA và Scheffe post-hoc.

2. Speech act and linguistic features of marine orders (Hành vi ngôn ngữ và những đặc điểm ngôn ngữ của khẩu lệnh hàng hải) do ThS. Lê Thị Minh Phương làm chủ nhiệm đề tài.

Với việc chọn đề tài này, tác giả muốn cung cấp cho sinh viên những khái niệm cơ bản nhất về hành vi ngôn ngữ và một số đặc điểm ngôn ngữ hàng hải để giúp họ có thể sử dụng một cách chính xác và hiệu quả nhất vì cấu trúc tiêu chuẩn của một khẩu lệnh hàng hải tương đối khác so với cấu trúc ngôn ngữ của câu ra lệnh thông thường. Ngôn ngữ sử dụng trong hàng hải mang tính đặc thù và có rất nhiều điểm khác biệt để có thể tiếp tục khai thác sâu hơn nhưng trong giới hạn phạm vi của nghiên cứu khoa học này, tác giả chỉ tập trung nghiên cứu về hành vi ngôn ngữ và đặc điểm ngôn ngữ của thuật ngữ hàng hải bao gồm tính trực tiếp, loại câu, độ dài câu và mật độ thuật ngữ xuất hiện trong câu. Ngoài ra, tác giả còn so sánh đặc điểm ngôn ngữ giữa khẩu lệnh hàng hải dùng trên boong và dùng để liên lạc với bờ. Các khẩu lệnh hàng hải được thu tập chủ yếu từ ấn phẩm “IMO Standard Marine Communication Phrases” và các tài liệu chuyên ngành hàng hải được áp dụng vào chương trình giảng dạy hiện hành sử dụng cho khoa Hàng hải Trường Đại học Hàng hải Việt Nam. Để tìm ra câu trả lời, tác giả kết hợp giữa phương pháp định tính (quantitative) và phương pháp so sánh đối chiếu (contrastive) một cách phù hợp nhất. Sau đó, dựa vào kết quả nhận được, tác giả sẽ phân tích và đối chiếu để rút ra điểm giống và khác nhau giữa khẩu lệnh hàng hải dùng trên boong và khẩu lệnh hàng hải dùng để giao tiếp với bên ngoài.

3. Major factors affecting the second-year students’performances on toeic listening test at Vietnam Maritime University (Các nhân tố chính ảnh hưởng đến kết quả bài thi nghe TOEIC của sinh viên năm thứ hai Trường Đại học Hàng hải Việt Nam) do ThS.Nguyễn Thị Huyền Trang là chủ nhiệm đề tài

Nghe là một kỹ năng quan trọng, cần thiết trong quá trình học ngoại ngữ và khi thi dạng bài thi TOEIC. Đề tài sử dụng phương pháp khảo sát 120 sinh viên năm hai Trường Đại học Hàng hải Việt Nam đang học học phần Anh văn cơ bản 3 đến từ các khoa khác nhau và có trình độ tiếng Anh khác nhau. Từ đó, tác giả đưa ra kết quả và các giải pháp để nâng cao kỹ năng nghe cho sinh viên, từng bước nâng cao chất lượng dạy và học Tiếng Anh tại Trường.

Hội đồng nghiệm thu đánh giá ba đề tài có tính thực tiễn và cơ bản hoàn thành các nội dung và mục tiêu nghiên cứu đề ra, sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của Nhà trường.